Chế độ ăn uống kém khoa học, thừa cân, các chất bổ sung, thuốc và một số điều kiện y tế khác có thể là một trong nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận. Việc phát hiện kịp thời nguyên nhân sỏi thận là chìa khóa quan trọng góp phần giúp điều trị thành công căn bệnh này.
Mời bạn cùng tìm hiểu và khám phá nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận trong bài viết ngay sau đây nhé!
Nguyên nhân sỏi thận bắt nguồn từ đâu?
Nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này vẫn thường thắc mắc rằng: “Đâu là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra sỏi thận?”. Trên thực tế, căn nguyên gây ra sỏi thận không được xác định chính xác, mà chỉ có một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh.
Tham khảo thêm:
- Bị sỏi thận uống gì để hết sỏi? 12 loại nước tốt cho người sỏi thận
- 8 triệu chứng sỏi thận bạn không thể bỏ qua để điều trị kịp thời
- 9+ Cách chữa trị sỏi thận tại nhà không cần dùng thuốc, hiệu quả
Sỏi thận hình thành khi nước tiểu trở nên cô đặc, nồng độ chất có thể tạo ra tinh thể tăng lên, chẳng hạn như canxi, oxalat và axit uric. Đồng thời, nước tiểu có thể thiếu chất ngăn cản các tinh thể kết dính với nhau, khiến chúng có môi trường thuận lợi để kết tinh và hình thành sỏi thận.
Biết loại sỏi đang mắc phải sẽ giúp xác định chính xác nguyên nhân sỏi thận là gì và có phương pháp phù hợp giúp làm giảm nguy cơ mắc thêm sỏi thận.
Sỏi canxi
Hầu hết sỏi thận là sỏi canxi và thường gặp ở dạng canxi oxalat. Đây là một chất được tạo ra hàng ngày bởi gan hoặc được hấp thụ từ chế độ ăn uống. Việc tiêu thụ lượng lớn một số loại thức ăn giàu oxalat có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi canxi oxalat. Chúng bao gồm: cây đại hoàng, củ cải đường, đậu bắp, rau bina, khoai lang, các loại hạt, trà, chocolate, hạt tiêu đen và các sản phẩm từ đậu nành.
Ngoài ra, các yếu tố khác trong chế độ ăn uống, sử dụng vitamin D liều cao, phẫu thuật nối ruột và một số bệnh rối loạn chuyển hóa có thể làm tăng nồng độ canxi hoặc oxalat trong nước tiểu, góp phần gây ra sỏi thận.
Sỏi canxi cũng có thể xảy ra dưới dạng canxi photphat. Nguyên nhân sỏi thận này thường là do các tình trạng chuyển hóa, chẳng hạn như nhiễm toan ống thận. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu hoặc động kinh, chẳng hạn như topiramate.
Sỏi nhiễm trùng
Nguyên nhân sỏi thận này hình thành là do phản ứng lại với tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Những viên sỏi này có thể phát triển nhanh chóng và có kích thước khá lớn, đôi khi có ít triệu chứng và rất khó để nhận biết.
Sỏi axit uric
Sỏi thận axit uric do tình trạng mất quá nhiều nước gây ra bởi tiêu chảy mãn tính hoặc cơ thể kém hấp thu. Sỏi axit uric cũng có thể hình thành ở những người ăn chế độ ăn giàu protein, người mắc bệnh tiểu đường hoặc hội chứng chuyển hóa. Một số yếu tố di truyền cũng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi axit uric.
Sỏi cystine
Loại sỏi thận này thường gặp ở những người mắc một dị tật bẩm sinh tại ống thận, khiến cho sự tái hấp thu cystine bị giảm. Nồng độ cystine cao tạo điều kiện hình thành sỏi cystine trong nước tiểu.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi thận khác
Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh sỏi thận, nhưng một số người có nguy cơ mắc sỏi thận cao hơn những người khác. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận bao gồm:
- Tiền sử bệnh của bạn và gia đình. Nếu ai đó trong gia đình từng bị sỏi thận hoặc bản thân đã từng bị bệnh này thì tỷ lệ gặp phải sẽ cao hơn.
- Mất nước. Không uống đủ nước mỗi ngày, người sống ở vùng khí hậu khô nóng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.
- Chế độ ăn uống kém khoa học. Ăn một chế độ ăn giàu protein động vật, ít chất xơ, ăn mặn và nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại sỏi thận. Đặc biệt là ăn mặn, vì nạp quá nhiều muối sẽ làm tăng lượng canxi mà thận phải lọc và có thể là nguyên nhân gây ra sỏi thận.
- Một số điều kiện y tế khác: Điều này là do chúng có thể làm tăng hoặc giảm nồng độ của các chất tạo thành sỏi thận. Có thể bao gồm: tăng canxi trong nước tiểu, huyết áp cao, bệnh tiểu đường, béo phì, bệnh loãng xương, bệnh gút, bệnh xơ nang, nang thận, bệnh tuyến cận giáp, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, cystin niệu, bệnh viêm ruột và tiêu chảy mãn tính. Những người nằm liệt giường thời gian dài cũng dễ bị tái phát sỏi thận hơn người bình thường.
- Một số thủ tục phẫu thuật: Chúng có thể bao gồm phẫu thuật giảm cân hoặc phẫu thuật cắt bỏ dạ dày hoặc nối ruột có thể gây ra những thay đổi trong quá trình tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi và nước, tăng lượng chất tạo sỏi trong nước tiểu.
- Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi: Những loại thuốc này bao gồm: vitamin C, thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng (khi sử dụng quá mức), thuốc kháng axit dựa trên canxi (thuốc được sử dụng để điều trị loãng xương) và một số loại thuốc dùng để điều trị chứng đau nửa đầu hoặc trầm cảm.
Ngoài ra, sau nhiễm trùng, phì đại tiền liệt tuyến, sau chấn thương nặng phải nằm một chỗ cũng làm tăng nguy cơ sỏi thận.
Hiểu được nguyên nhân sỏi thận để biết cách phòng ngừa
Có thể bạn quan tâm:
- Đau đầu – Lý giải nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị
- Cách dễ ngủ hữu hiệu, phương pháp dễ làm hiệu quả nhất
Sau khi nắm rõ được nguyên nhân sỏi thận, bạn cần áp dụng một số mẹo sau đây để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này:
- Uống nhiều nước: Uống ít nhất khoảng 2 lít nước mỗi ngày để giúp sản xuất đủ nước tiểu, loại bỏ sự tích tụ của các chất có thể gây sỏi thận. Nếu bạn sống ở nơi có khí hậu khô nóng và thường xuyên tập thể dục hay đổ nhiều mồ hôi, hãy uống nhiều nước hơn.
- Không nhịn tiểu: Nhịn tiểu lâu cũng là nguyên nhân sỏi thận cần phải lưu tâm. Vì điều này tạo điều kiện rất thuận lợi để các tinh thể lắng đọng và hình thành nên sỏi.
- Ăn ít thức ăn giàu oxalat.
- Hạn chế muối và đạm động vật: Giảm lượng muối và chọn các nguồn protein lành mạnh từ thực vật, chẳng hạn như các loại đậu.
- Giảm cân: Nếu thừa cân, hãy cố gắng giảm cân bằng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để sở hữu thân hình và trọng lượng lý tưởng.
- Uống thuốc theo toa: Bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc giúp ngăn ngừa sỏi thận. Loại thuốc có thể phụ thuộc vào loại sỏi mà bạn có nguy cơ cao mắc phải.
- Thận trọng với thực phẩm giàu canxi: Canxi trong thực phẩm không phải là nguyên nhân sỏi thận, thậm chí một số người ăn ít canxi lại có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn. Nếu bạn bị sỏi canxi oxalat, bạn nên có một chế độ ăn nhiều canxi hơn và ít oxalat. Thực phẩm giàu canxi bao gồm: sữa bò, sữa chua, phô mai, bông cải xanh, cải xoăn, cá hồi, ngũ cốc,.. Tuy nhiên, bạn có thể cần phải giảm thực phẩm giàu canxi khi có chỉ định từ bác sĩ.
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân sỏi thận, cũng như các yếu tố nguy cơ khác gây bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả.
Tổng hợp: songdepmoingay.net